Bà Nguyễn Thị Thu Giao, Giám đốc nhân sự Công ty Interfloor Việt Nam nhận xét: “Kỹ năng của sinh viên mới ra trường là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có”.
Có kiến thức, thiếu kỹ năng
Cũng theo bà Giao, trên 80% sinh viên mới ra trường có kiến thức nhưng quá yếu kỹ năng xử lý những tình huống và điều đó làm “mất điểm” ngay từ đầu tiếp xúc với các nhà tuyển dụng.
“Hiện nay, trên thị trường lao động Việt Nam không thiếu việc làm mà nguy hiểm nhất là thiếu người làm được việc”. Ông Nguyễn Tiến Lợi, chuyên viên tuyển dụng nhân sự Công ty Cổ phần Đại Phát, TP.HCM khẳng định. Không ít các bạn trẻ mắc sai lầm khi cho rằng các nhà tuyển dụng chỉ cần lao động trẻ có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ thành thạo, vi tính… và bằng cấp này bằng cấp nọ. Chính vì thế, các bạn lại đổ xô nhau đi học bằng này bằng kia, khóa học này nọ. Tuy nhiên, các bạn không biết rằng, hiện các doanh nghiệp, công ty (đặc biệt là các công ty nước ngoài) luôn chú trọng đến kỹ năng làm việc, khả năng tổ chức công việc, tư duy trong mọi tình huống, giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc.
Bà Phan Thị Bạch Nhung, cán bộ phụ trách tuyển dụng Công ty Xuất nhập khẩu đồ gỗ Mỹ Nghệ Nam Dương phân trần: “Qua nhiều năm làm công tác tuyển dụng từ công ty trong nước đến công ty 100% vốn nước ngoài, tôi chưa bao giờ ưng ý trong khả năng giao tiếp của sinh viên mới ra trường, sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều là điều dễ hiểu”.
Yếu ở khâu đào tạo
Do công tác tổ chức hướng nghiệp cho học sinh còn bị xem nhẹ nên sinh viên không mấy mặn mà với ngành mình đang theo học chiếm một tỷ lệ khá lớn và điều hiển nhiên là không thể phát huy năng lực của mình khi ra trường (trong đó có kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp…). Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng dẫn đến tỉ lệ sinh viên mới ra trường kiếm được việc làm thấp là do nhiều sinh viên mới ra trường có tâm lý cần phải có kinh nghiệm làm việc nên còn nhiều hạn chế trong việc thử sức mình, dễ gây ra tâm lý thụ động, an phận với công việc. Trong khi đó vẫn có nhiều cơ hội để sinh viên mới ra trường thoải mái lựa chọn. Cũng theo bà Nhung, chương trình đào tạo hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội nên ngay sau khi ra trường, thay vì phải làm việc ngay thì sinh viên phải được đào tạo lại các kỹ năng cần thiết mới có hể đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Nhiều năm nay, để đáp ứng lao động cho thị trường ngày càng khủng hoảng thiếu, các công ty săn đầu người đã đưa ra nhiều chiến lược tuyển dụng và đào tạo. Không chỉ riêng các công ty cung ứng lao động mà ngay các doanh nghiệp, xí nghiệp công tác này cũng được tổ chức khá bài bản, tuy nhiên vẫn còn bị hạn chế một số mặt. Qua đó, các công ty trong và ngoài nước đã “để ý” đến kỹ năng hơn là kinh nghiệm làm việc nên đã không tiếc thời gian và tiền bạc để xây dựng nhiều chương trình đào tạo thu hút lao động là sinh viên mới ra trường. Nhiều công ty khác tổ chức các chương trình huấn luyện kỹ năng kinh doanh định kỳ hàng tháng, hàng năm cho sinh viên mới ra trường để trở thành lực lượng nòng cốt của công ty mình.
Trên thực tế vẫn còn một số khó khăn trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động như một số doanh nghiệp đặt hàng đào tạo nhân lực nhưng hiệu quả chưa cao lắm nên đã dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu lao động chất lượng cao. “Sở dĩ có tình trạng này là do chương trình đào tạo lao động vẫn theo lối cũ, không bám sát thực tế, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo còn nghèo nàn, thiếu thốn, chưa nắm được điều kiện thiết yếu khi đào tạo…”. Bà Giao giải thích.
Một thực tế nữa là lâu nay, có không ít doanh nghiệp, nhà xưởng không tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực tập mà chỉ làm theo kiểu qua loa, chiếu lệ. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tuyển dụng cho biết cần phải có nhiều đơn đặt hàng với nhà trường, cơ sở đào tạo nghề trong thời gian dài chứ không thể “chữa cháy” như lâu nay.
Ông Lợi cho rằng: “Quy trình đào tạo của một số trường ĐH-CĐ tại Việt Nam còn nặng về lý thuyết nên sinh viên không tránh khỏi mắc phải nhược điểm là yếu kém về kỹ năng làm việc, không có thói quen làm việc theo nhóm, có ý tuởng nhưng còn ngập ngừng, ấp úng trong cách diễn đạt”.
Ý kiến bạn đọc