Hiện nay, ngày càng có nhiều công cụ tìm kiếm tiếng Việt ra đời, gần nhất là Wada.vn. Khi mới đầu tư vào công cụ tìm kiếm, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ dám nghĩ tới việc làm sao thu hút được những người sử dụng chưa dùng công cụ tìm kiếm của Google và Yahoo!... nhưng chiến lược này đã thay đổi, đã có những công cụ tìm kiếm Việt tìm ra hướng đi riêng, bắt đầu tìm chỗ đứng trên sân nhà…
Ngày càng đông vuiViệt Nam có hơn 25 triệu người sử dụng internet (nguồn VNNIC), trong đó các công cụ tìm kiếm trực tuyến, hay còn gọi là các máy tìm kiếm (search engine) được sử dụng khá nhiều. Trong “thế giới” này, doanh nghiệp làm công cụ tìm kiếm trực tuyến Việt Nam đang cố gắng tạo ra những sản phẩm thuần Việt để kỳ vọng hướng người dùng vào sản phẩm Việt chứ không phải là sản phẩm của các tập đoàn lớn mạnh Google, Yahoo!...
Trước đây Công ty Tinh Vân từng tuyên bố đầu tư hai triệu USD cho “cỗ máy” tìm kiếm Xa Lộ (xalo.vn) và xalo.vn xác định rõ sẽ là đối thủ của Google chứ không có ý định cạnh tranh với các công cụ tìm kiếm tiếng Việt khác. Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác, Công ty VNG cũng có dịch vụ tìm kiếm Zing Search tại địa chỉ http://search.zing.vn . Zing Search có tiện ích hơn các công cụ tìm kiếm khác ở chức năng tìm các ứng dụng trên Zing…
Trang web tìm kiếm socbay.com là một trong số ít trang web tìm kiếm trong nước xây dựng công nghệ tìm kiếm riêng cũng ra đời. Ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Công ty Naiscorp, chủ đầu tư socbay.com nhận xét rằng so với các trang web tìm kiếm như Yahoo! hay Google, khả năng hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của socbay.com tốt hơn nên có thể trả kết quả tìm kiếm tiếng Việt có dấu tốt hơn. “Chúng tôi hy vọng với tiền đề công nghệ sẵn có, niềm đam mê mang đến cho người dùng một công cụ tìm kiếm thuần Việt ngay trên điện thoại sẽ mở ra một trang mới cho thị trường tìm kiếm nội địa trong tương lai”, ông Nguyễn Xuân Tài cho biết thêm.
Nhiều và đông vui nhưng cũng không khó để ghi nhận sự “chung sống” trong nhiều năm qua giữa các công cụ tìm kiếm ngoại quốc và nội địa nên các doanh nghiệp Việt thường gặp khá nhiều khó khăn về công nghệ và một số yếu tố khác nên thị trường tìm kiếm nội địa vẫn đang phải chịu “lép vế” trước các “ông lớn” tìm kiếm quốc tế khác. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, đó lại là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt.
Khó... chờ ló cái khônGoogle chiếm ưu thế tuyệt đối về số người sử dụng, chất lượng tìm kiếm và khả năng bản địa hóa cao. Tuy nhiên, không vì thế mà các công cụ nội địa hết cơ hội. Theo các chuyên gia, bước đầu, mỗi công cụ đã và đang tìm được cho mình một chỗ đứng. Tùy theo định hướng đầu tư và chiến lược kinh doanh của từng công ty mà họ có những bước đi khác nhau. Với khả năng đầu tư chừng vài triệu USD, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn phải “chiến đấu” hết sức vất vả trong một thị trường bị chiếm lĩnh đến hơn 90% bởi các đối thủ nước ngoài sừng sỏ.
Đáng nói hơn, nhiều người cho rằng doanh nghiệp làm công cụ tìm kiếm tại Việt Nam đang sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”. Một bên là sự cạnh tranh gay gắt không khoan nhượng của các đối thủ nước ngoài với vô số nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, an toàn an ninh thông tin, như Google. Còn một bên là việc tuân thủ luật pháp một cách triệt để của các công ty làm công cụ tìm kiếm Việt Nam. Cũng cần phải nói thêm, nguồn thu của các công cụ tìm kiếm là từ quảng cáo nhưng hiện chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài mới có khái niệm về quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, còn các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm tới mảng quảng cáo này khiến công cụ tìm kiếm Việt càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, lạc quan hơn có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư nhiều vào những công cụ tìm kiếm vì nhận thấy có thể làm tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài ở mảng tìm kiếm chuyên sâu cũng như những hướng đi riêng. Có thể thấy rõ, với xu hướng hiện tại, ngày nay việc tìm kiếm online không chỉ diễn ra trên máy tính, các nhà đầu tư đang “rầm rộ” kéo nhau chuyển hướng kinh doanh sang việc đọc tin, search tin ngay trên chính chiếc điện thoại di động - “vật bất ly thân” của hầu hết tất cả mọi người.
Với mô hình tìm kiếm này, Socbay iMedia thật sự đang làm mưa làm gió khi chiếm lĩnh đến hơn 70% thị trường tìm kiếm nội địa. Đây cũng là cách tránh cạnh tranh với những “người khổng lồ” về dịch vụ tìm kiếm. Và người ta hy vọng tính chất địa phương và hướng đi riêng của các công cụ tìm kiếm tiếng Việt sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt có chỗ đứng tốt trên sân nhà.
Bá Tân
Ý kiến bạn đọc