Hàng trăm năm trước bà con vùng Bảy Núi - An Giang đa số sống bằng nghề nông - lâm kết hợp nên thường xuyên chở nông sản thực phẩm, gia súc, củi đuốc ra chợ mua bán mà phương tiện phổ biến nhất vẫn là xe bò và xe ngựa.
Con người ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn đã gắn bó mật thiết với bò và ngựa như người miệt đồng bằng sông nước gắn liền với con trâu và chiếc xuồng.
Những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ trên vùng Bảy Núi.
Cách nay vài thập kỷ, lần đầu tiên lên núi Cấm, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những chiếc xe ngựa chất lỉnh kỉnh nào trái cây, rau củ, gia súc và các sản vật núi rừng chạy lộc cộc trên những đoạn đường râm mát.
Có lẽ ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay chỉ còn vùng Bảy Núi là còn sót lại những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ này. Khác xe ngựa Đà Lạt và Bình Dương, một loại xe có thùng cây, mui và chỗ dựa chắc chắn, xe ngựa vùng Bảy Núi do người Khmer chế ra rất đơn giản, mui trần, bánh cây, không tay vịn, người ngồi không quen cứ lắc qua lắc lại cơ hồ như muốn ngã.
Mãi đến sau năm 1954 bánh xe bằng cây mới được thay thế bánh bơm nên chạy nhanh và êm hơn. Khi xe chạy, người xà ích (*) thường bóp còi bí bo lại còn gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ ngựa để phát ra tiếng leng keng thật lạ và êm tai.
Được biết, tại các tỉnh miền Tây có loại xe ngựa kiểu dáng Pháp, chuyên dùng chở khách và hàng hóa nhưng loại xe này đã vắng bóng từ sau năm 1967, sau khi chiếc xe lôi máy ra đời. Nay những hình bóng ấy đã đi vào quá khứ nhưng mỗi lần về vùng Bảy Núi, nơi từng gọi là Thất Sơn mầu nhiệm(**) nghe tiếng nhạc ngựa lòng tôi lại cảm thấy nao nao như được sống lại một thời tuổi thơ êm ả thanh bình.
Tại Tri Tôn và Tịnh Biên, loại hình xe ngựa vẫn tồn tại cho đến hôm nay do tính đặc trưng của một vùng rừng núi và nhu cầu sử dụng của người địa phương. Xe ngựa Bảy Núi chủ yếu để chở người và hàng hóa từ các phum sóc xuống các phố huyện và chở hàng công nghệ phẩm từ thị trấn ngược lên các xã miền núi.
Các lão làng ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên) và xã Lương Phi (Tri Tôn) kể rằng trước đây phương tiện vận chuyển phổ biến ở vùng Bảy Núi chỉ có xe ngựa và xe bò, nhưng xe bò chuyên dùng để chở lúa và chở cây.
Dọc theo những con đường dưới chân núi Dài, núi Cô Tô và núi Cấm lúc nào cũng có những chuyến xe ngựa chở đầy rau cải, măng tre, xoài, mít, gà vịt... lộc cộc bên cạnh những chiếc xe đời mới hai bánh và bốn bánh bóng lộn như lạc lỏng giữa cảnh phồn hoa đô hội.
Du khách đến Bảy Núi đều say mê ngắm nhìn những chiếc xe ngựa thô sơ nhưng vô cùng quyến rũ đó và thích nghe tiếng nhạc ngựa êm tai, ai cũng ao ước được đi một lần cho biết. Đúng vậy, ai có ngồi xe ngựa hoặc có dịp ngủ đêm từ trên đồi cao để sáng sớm ngồi uống trà thưởng thức tiếng vó ngựa hòa lẫn với tiếng reo của lục lạc trong sương sớm mới cảm nhận được sự sâu lắng của núi rừng Tây Nam. Nhà văn Sơn Nam có lần về thăm lại Bảy Núi, ông cũng thích ngồi xe ngựa để sống lại với ký ức tuổi thơ đầy thi vị.
Cách nay không lâu, người dân vùng Bảy Núi còn dùng xe ngựa để tổ chức đám cưới, đưa rước cô dâu chú rể. Các ngày lễ hội, ban tổ chức cũng dùng xe ngựa để diễu hành thật hấp dẫn.
Theo một số nguồn tư liệu thì xe ngựa đã xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1920, cho đến năm 1930 mới xuất hiện ở Nam kỳ lục tỉnh. Đó là loại xe kiểu Pháp, có mui, còn loại xe ngựa dáng thô sơ ở vùng Bảy Núi chưa ai biết đích xác ra đời vào năm nào, nhưng thịnh hành nhất là trước năm 1970 (khoảng 100 chiếc) nay chỉ còn khoảng 15 chiếc hoạt động cầm chừng, chở khách quen biết.
Nhiều người lo ngại một ngày nào đó những chiếc xe ngựa vùng Bảy Núi sẽ cùng chung số phận với những chiếc cối xay lúa, cối giã gạo và chày giã bàng đã đi vào “viện bảo tàng” vì các phương tiện cơ giới dần dần thay thế cho chiếc xe cổ lỗ.
Ở đời cái gì rồi cũng qua đi, cũng theo dòng đời đi vào quá khứ, không có gì là trường cửu. Cái cũ mất đi, cái mới sẽ ra đời. Đó là quy luật muôn đời của cuộc sống. Cách nay vài ba năm mỗi lần lên núi tôi đều thuê một chiếc xe ngựa chạy một vòng dưới chân núi để tìm cảm giác thư giãn. Nhưng gần đây con đường từ chân núi Cấm đến Chi Lăng cách nay mươi năm lúc nào cũng vang lên tiếng lộc cộc thật êm tai, nay nhường lại cho tiếng động cơ ồn ào náo nhiệt.
Giờ đây, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy một vài chiếc xe ngựa lộc cộc trên đường phố vắng giống như những chiếc lá cuối cùng còn sót lại trên cành. Tôi bần thần nghĩ đến số phận nay mai của chiếc xe ngựa. Không biết có còn tồn tại hay không? Mặc dù chiếc xe ngựa vùng Bảy Núi đã làm xong vai trò lịch sử của nó nhưng sao tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi và trong lòng có chút gì vấn vương!
Ý kiến bạn đọc