Hà Nội đã đưa ra chủ trương và quyết tâm xây dựng một “thành phố thông minh”. Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình, giải pháp và chuẩn bị thế nào là không hề đơn giản, bởi hạ tầng cơ sở vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục mau chóng.
Các yếu tố cốt lõi
Như vậy, khái niệm “thành phố thông minh” rất rộng. Hà Nội đã chuẩn bị gì để hướng tới điều đó? Ngay từ năm 2010 vấn đề này đã được đưa ra, và cũng phải vài năm sau việc xây dựng chính quyền điện tử - một nấc thang quan trọng mới được thực hiện rốt ráo, song không phải lúc nào cũng đạt được thành công. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Xây dựng chính phủ điện tử và “thành phố thông minh” giúp Hà Nội giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, đặc biệt giảm chi phí của doanh nghiệp; là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính”.
Và những dấu hỏi
Ngoài những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật ICT chưa hiện đại thì nền tảng hạ tầng kỹ thuật chung cũng còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường… gây không ít phiền toái. Khó khăn thứ hai là làm sao có nguồn nhân lực đủ chất lượng đáp ứng cho “thành phố thông minh”, vận hành chính quyền điện tử? Công nghệ là nền tảng quan trọng, tạo ra sự kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân nhưng chính con người mới là yếu tố quyết định sự thành bại của “thành phố thông minh”. Vậy con người hiện tại có đáp ứng được không? Theo TS, KTS Nguyễn Quang Minh, đô thị thông minh nhấn mạnh trước hết tính hiệu quả trong ba lĩnh vực then chốt: Khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý xã hội; quá trình học hỏi cũng như sự thích ứng nhanh đối với những thay đổi của điều kiện phát triển. Đồng thời, từ đó mở ra sáu phạm vi trong cuộc sống gồm: Con người thông minh; nền kinh tế thông minh; phương tiện đi lại thông minh; cuộc sống thông minh; môi trường thông minh; quản lý thông minh.
Đồng quan điểm ấy, KTS Ngô Viết Sơn Nam cho rằng, với trọng tâm của “thành phố thông minh”, cụ thể là việc xây dựng thành phố Hà Nội cho tương lai thì yếu tố con người là quan trọng, sau đó mới đến quản lý và công nghệ. Bởi vậy, cần giúp tăng giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc cho đô thị, thay vì làm đô thị trở nên máy móc, vô hồn. Để được như vậy cần chú ý nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội, nhu cầu sống và làm việc của người dân, để hình thành các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh. Mới đây, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh “Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu chính quyền Hà Nội bước sang năm 2018 cần kiên quyết thực hiện tốt ba khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra. Đó là, phát triển đồng bộ hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Những đột phá đó sẽ tác động mạnh mẽ đến tốc độ thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành “thành phố thông minh” vào năm 2030.
thành phố, thông minh, ý chí, hà nội, chủ trương, quyết tâm, xây dựng, tuy nhiên, mô hình, giải pháp, chuẩn bị, thế nào, không hề, cơ sở, bộc lộ, hạn chế, khắc phục, mau chóng, yếu tố, trở thành, hệ thống
Ý kiến bạn đọc