TRƯỜNG DOANH NHÂN MQA - KỶ LỤC
TRUNG TÂM HỢP TÁC QUỐC TẾ - ĐÀO TẠO NHÂN TÀI

Đăng nhập

Danh mục bài giảng

Bộ đếm

  • Phút online: 1.434
  • Tổng lượt truy cập: 7.598.351

Hỗ trợ trực tuyến


Thời gian hỗ trợ từ:
Trưa: 11h đến 14h
Enable GingerCannot connect to Ginger Check your internet connection
or reload the browserDisable in this text fieldEditEdit in GingerEdit in Ginger×
OCOP
20 NĂM KINH TẾ XANH VỚI TS MỘC QUẾ
smart city
NÔNG NGHIỆP SẠCH
HÀNH TRÌNH
du học Nhật bản

PHƯƠNG PHÁP VIẾT TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ TÌM KIẾM TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/12/2012 16:00 - Người đăng bài viết: Cô Châu
Tổng quan tài liệu là bài viết tổng hợp một cách đầy đủ nhất có thể được những hiểu biết về một chủ đề xuất phát từ việc phân tích toàn bộ mọi mặt các tài liệu và công trình nghiên cứu liên quan.
1.         Khái niệm về bài viết tổng quan tài liệu
Tổng quan tài liệu là bài viết tổng hợp một cách đầy đủ nhất có thể được những hiểu biết về một chủ đề xuất phát từ việc phân tích toàn bộ mọi mặt các tài liệu và công trình nghiên cứu liên quan. Trong phần tài liệu tham khảo có thể dẫn hàng vài trăm tài liệu. Viết tổng quan tài liệu có thể có nhiều mục đích khác nhau. Sau đây là một số ví dụ về mục đích tổng quan tài liệu:
-        Trình bày một lí thuyết và những nghiên cứu thử nghiệm lí thuyết này đã được thực hiện;
-        Trình bày một vấn đề và những giải pháp giải quyết vấn đề đã được các nghiên cứu đề xuất, thử nghiệm;
-        Tổng hợp những điểm chung giữa các nghiên cứu đã được thực hiện;
-        Nêu nhu cầu cho nghiên cứu tiếp theo;
-        Tổng hợp kiến thức về một vấn đề sức khỏe đang được quan tâm.
2.         Phương pháp viết tổng quan tài liệu một công trình nghiên cứu khoa học
Tổng quan nghiên cứu là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết đối với bất kỳ một công trình nghiên cứu nào. Các nghiên cứu quy mô như niên luận, khóa luận, luận văn ... bắt buộc có chương tổng quan tài liệu. Chương này đưa ra bức tranh khái quát các cơ sở lý luận, các kết quả nghiên cứu đã được công bố liên quan đến đề tài đang thực hiện. Nghiên cứu tổng quan tài liệu giai đoạn đầucó thể giúpnhà nghiên cứu dựa vào đó để lựa chọn chủ đề, kiểm tra các nguồn lực sẵn có, xác định mục tiêu nghiên cứu và xây dựng những giả thuyết cho đề tài nghiên cứu của mình. 
Nói chung, không có những quy tắc tuyệt đối trong viết tổng quan tài liệu. Các quy tắc này có thể thay đổi tuỳ chuyên ngành, tuỳ cấp độ nghiên cứu cũng như tuỳ người hướng dẫn hoặc chịu trách nhiệm khoa học của đề tài. Mỗi nhà khoa học lại chịu những áp lực hành chính, quy định chuyên môn, thói quen nghiên cứu trong đơn vị và chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, vẫn có những bước cơ bản giúp một người làm công tác nghiên cứu có thể xây dựng một tổng quan tài liệu đạt hiệu quả như sau:
         2.1. Xác định chủ đề quan tâm: là nội dung đề cập chính xuyên suốt đề tài, thường được thể hiện ở tên của đề tài nghiên cứu.
         2.2. Xác định mục tiêu tổng quan tài liệu: là các mục tiêu lớn, bao quát được chủ đề nghiên cứu của đề tài.
         2.3. Xác định tiêu chuẩn lựa chọn tài liệu và tiêu chuẩn loại trừ: không phải chọn tất cả các tài liệu đã có mà cần có tiêu chuẩn cụ thể, Ví dụ: tác giả một bài tổng quan về điều trị một bệnh chỉ lấy những nghiên cứu tiến cứu có đối chứng.
Các yêu cầu về tài liệu tham khảo cần quan tâmlà: tầm tham khảo đủ rộng để bao quát phạm vi của đề tài; mức độ tham khảo đủ sâu, tương ứng với yêu cầu của cấp độ nghiên cứu; thông tin tương đối cập nhật để đánh giá vấn đề khách quan, kịp thời, không bị lạc hậu với dòng thông tin chuyên ngành; thông tin có chọn lọc sao cho phù hợp với một đề tài khoa học.
Các trình tự này cũng mang tính tương đối, vìcó thể có những đề tài xuất phát từ những ý tưởng mới, sau đó mới thu thập tài liệu, triển khai thực hiện. Và cũng có thể có đề tài diễn ra theo hướng ngược lại, sau khi đã tích luỹ một lượng thông tin, tài liệu đủ lớn để có cái nhìn tổng quát và sâu sắc làm nảy sinh ý tưởng về đề tài nghiên cứu.
         2.4. Thu thập tài liệu liên quan từ các nguồn khác nhau
Tài liệu có thể thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ: các tạp chí khoa học, báo cáo nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí, các cơ sở dữ liệu (Medline, CD, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, internet…). Chúng ta có thể lựa chọn các nguồn tài liệu ưu tiên theo thứ tự sau:
a)    Bắt đầu bằng tổng hợp rộng về tài liệu nghiên cứu như các tổng quan được tìm thấy trong sách giáo khoa, các bài tạp chí hay các tổng hợp các tóm tắt;
b)    Chuyển tới các bài báo tạp chí. Bắt đầu với các nghiên cứu gần nhất về chủ đề và lùi dần theo thời gian. Lần theo sách tham khảo ở cuối các bài báo để khảo sát rộng hơn các nghiên cứu;
c)    Chuyển sang các sách liên quan đến chủ đề;
d)    Tìm kiếm các bài viết dự hội thảo về chủ đề;
e)     Tìm kiếm các tóm tắt của các luận văn, luận án hiện có ở các trường đại học.
         2.5. Đọc phần tóm tắt của các tài liệu thu thập được, đọc lướt qua để nắm được ý chính
        2.6. Lựa chọn những tài liệu phù hợp với tiêu chuẩn đề ra. Lưu giữ những tài liệu đã được lựa chọn một cách cẩn thận, sắp xếp những tài liệu này tùy theo mục đích sử dụng (ví dụ sắp xếp theo chủ đề chính, phương pháp,…)
         2.7.  Đọc chi tiết những tài liệu đã lựa chọn, ghi chép những nội dung liên quan và thêm vào những ý kiến, quan điểm ban đầu của cá nhân. Người nghiên cứu cần ghi lại các thông tin cơ bản để phục vụ cho việc tổng quan tài liệu. Một ghi chép tóm tắt tốt phải gồm các điểm sau:
a)    Ghi chú các vấn đề được nhấn mạnh;
b)    Nói rõ mục đích trung tâm hay trọng điểm của nghiên cứu;
c)     Ghi ngắn gọn thông tin về mẫu, tổng thể và người tham gia;
d)    Tổng quan các kết quả chính liên quan đến nghiên cứu;
e)     Chỉ rõ các thiếu sót/sai lầm (về lý thuyết/phương pháp luận/kỹ thuật ...) trong nghiên cứu.
         2.8.  Viết tổng quan tài liệu
Thời gian để xây dựng tổng quan tài liệu rất dài, chiếm khoảng 30% thời gian thực hiện nghiên cứu. Tác giả phải tìm đọc, sàng lọc và xử lý nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Vì vậy phải thiết kế nội dung của phần tổng quan tài liệu theo hướng phù hợp với qui mô, cấp độ và nội dung của công trình nghiên cứu.
Cần xây dựng trước các đề mục cho chươngtổng quan tài liệu. Dựa trên mục tiêu đề ra, tổng quan được trình bày theo chủ đề, chia ra nhiều chủ đề nhỏ, sắp xếp theo trình tự lôgic và có mối liên hệ với nhau. Tác giả cần bám sát mục tiêu đã đề ra và cần làm rõ cơ sở lý luận của nghiên cứu (cơ sở lý thuyết). Các kết luận và khuyến nghị phải căn cứ trên những kết quả thu được, có phân tích thông tin, có đối chiếu với mục tiêu đã vạch ra.
Tổng quan tài liệu cầu trình bày khái quát hiện trạng của vấn đề nghiên cứu qua thông tin thông báo của các tác giả trong và ngoài nước có liên quan. Việc trình bày này hoàn toàn không phải chỉ đơn thuần là liệt kê, điểm tài liệu theo một trình tự nào đó, mà cần phải phân tích, đánh giá, so sánh, tổng hợp những tài liệu này trong mối liên hệ với nghiên cứu dự định tiến hành. Tác giả cần đưa ra những nhận xét bình luận của bản thân đối với những thông tin thu thập được, có thể đưa ra những quan điểm đối lập. Phân tích phương pháp luận và giá trị của các kết quả thu được trong các công trình khác nhau được sử dụng trong bài. Trình bày tóm tắt trong những đoạn cuối của bài tổng quan những số liệu và kết quả có giá trị nhất và gợi ý những hướng nghiên cứu cho các công trình trong tương lai.Xem xét cụ thể các h­ướng nghiên cứu nào, vấn đề đặc trư­ng của mỗi hư­ớng là gì, các kết quả đã đạt được, đánh giá ­ưu điểm, khuyết điểm của các h­ướng nghiên cứu đó. Ví dụ:Một chuyên đề nghiên cứu về một phương pháp chẩn đoán mới thì trong phần tổng quan phải nêu đ­ược các phư­ơng pháp chẩn đoán đã tồn tại, ­ưu nh­ược điểm cơ bản của từng ph­ương pháp, phương pháp dự kiến nghiên cứu đã đ­ược áp dụng ở đâu ch­ưa kết quả như  thế nào? Vạch rõ vấn đề đã đư­ợc nghiên cứu đến đâu, những gì còn ch­ưa được xem xét, còn bỏ ngỏ, nếu có thể thì chỉ ra nguyên nhân của hiện trạng vấn đề. Chẳng hạn cũng về ph­ương pháp nghiên cứu thì đã đ­ược áp dụng ở trong nước ch­ưa, những khó khăn khi áp dụng, những hạn chế cần khắc phục... Phải nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề đư­ợc xem xét (có thể tán thành, theo quan điểm của tác giả này hay tác giả khác để tiếp tục giải quyết vấn đề đ­ược chọn nghiên cứu, đ­ưa ra cách tiếp cận, giải quyết vấn đề hoàn toàn khác, hay khác một phần...).
         2.9. Đọc lại phần tổng quan đã viết, sửa chữa và hoàn thành tài liệu tổng quan
Trong bước này, tác giả có thể phải đọc lại những tài liệu đã đọc hoặc đọc thêm những tài liệu liên quan để có thêm thông tin hoặc làm rõ thêm thông tin quan trọng. Viết tổng quan tài liệu không phải là công việc chỉ làm một lần hay chỉ là một quá trình đơn tuyến, mà được lặp đi lặp lại nhiều lần, với nhiều mức độ và mục đích khác nhau.Khi mới bắt đầugiúp lựa chọn đề tài, đánh giá phạm vi các nguồn tài nguyên hỗ trợ, đặt vấn đề nghiên cứu.Khi đang nghiên cứugiúp củng cố các luận cứ, luận chứng, bổ sung các đánh giá phê bình khoa học. Khi kết thúc nghiên cứu giúp tạo hình mẫu, tiêu chuẩn để soạn thảo và trình bày kết quả nghiên cứu.
3.         Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo
Internet và công nghệ tin học ứng dụng đã tạo ra nhiều phương thức tìm kiếm, xử lý tài liệu tham khảo hiện đại, nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn so với phương cách tìm kiếm truyền thống. Tuy vậy, sử dụng phương pháp thống khi vẫn rất có giá trị khi không thể tìm được những tài liệu không có ở internet, các phần mềm, hoặc các đĩa CD chuyên biệt...
3.1.1.         Tìm kiếm tài liệu theo cách truyền thống: nêu ở phần trên (tiểu mục 2)
3.1.2.         Tìm kiếm và xử lý tài liệu tham khảo bằng Internet
Các công cụ tìm kiếm trên mạng có ở khắp mọi nơi, các trang web, các bộ cơ sở dữ liệu, trong lòng các phần mềm … Hiện nay, toàn cầu chỉ có EndNote, References, Cited là phần mềm chuyên dụng quản lý tài liệu tham khảo. Hiểu và thực hành các nội dung dưới đây sẽ giúp nhà nghiên cứu tìm kiếm và xử lý tài liệu tham khảo bằng Internet thuận tiện và hiệu quả.
a)    Phần mềm EndNote: EndNote là một công cụ tìm kiếm trực tuyến. Nó cung cấp một cơ sở dữ liệu thư mục bằng một đường tìm kiếm đơn giản trên mạng và giúp lấy trực tiếp các tài liệu tra cứu trong EndNote. (EndNote cũng có thể nhập các file dữ liệu lưu trữ từ các dạng khác qua mạng, từ CD-ROMs, và từ các cơ sở dữ liệu thư viện). Làm chủ EndNote thật đơn giản. Bạn ngồi tại nhà truy cập website đại học Y Dược Thái Nguyên, vào mục thư viện, bạn sẽ có hướng dẫn sử dụng chi tiết. Cán bộ thư viện phòng NET hướng dẫn trực tiếp và cụ thể hơn, hãy đến các thư viện, bạn sẽ được trợ giúp.
Ngoài ra có các công cụ hỗ trợ tìm kiếm đắc lực khác như Google search, Yahoo search, References, Cited, word 2007quản lý tài liệu tham khảo, ...
b)    Tìm kiếm tài liệu tham khảo: bao nhiêu tài liệu tham khảo là đủ? Mấu chốt vấn đề là nên chọn ra số ít tài liệu tham khảo cần thiết trong số đã có. Thực tế, là tìm cách bỏ đi một số lượng lớn tài liệu tham khảo cho đến khi đạt được số ít mong muốn. Hiệu quả của quá trình này phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thực hiện, cách đưa ra các tiêu chuẩn lọc tìm, cách thiết kế lọc, chọn từ khóa, đọc lướt tài liệu… Nhà nghiên cứu cần cân nhắc số lượng tài liệu tham khảo phù hợp với qui mô, cấp độ đề tài, từ đó có tiêu chuẩn chiến lược lựa chọn tài liệu tham khảo cụ thể. Một số loại công trình nghiên cứu thường có số lượng tài liệu tham khảo như sau: bài tổng quan có từ 200 - 1000; luận án tiến sĩ có từ 150 – dưới 300; luận án BSCKII có từ 150 – 250; luận văn thạc sĩ có từ 100 – 150; khóa luận BSCKI có khoảng 70 -100; khóa luận tốt nghiệp BS có từ 30 – 60; bài báo, đề tài cấp cơ sở có từ 5 – 15. Nếu nghiên cứu của bạn có từ 10 tài liệu tham khảo trở lên, hãy dùng EndNote ngay từ đầu, bạn sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian.
c)     Xử lý tài liệu tham khảo
EndNote là một cơ sở dữ liệu bằng ảnh và tài liệu tham khảo. EndNote có chức năng đặc biệt về lưu trữ, quản lý, tìm kiếm trong thư viện tài liệu tham khảo riêng của bạn. Bạn có thể xắp xếp ảnh bao gồm hình, bảng biểu và biểu thức toán, với mỗi ảnh bạn đều có thể đặt chú giải và những phím khoá.
EndNote có các “kho - thật ảo” gọi là groupe, nhà nghiên cứu có thể tạo hàng trăm groupe để chứa các tài liệu tham khảo theo các tiêu chí đặt ra nhằm hỗ trợ tối đa việc khai thác và xử lý. Thật ảo nghĩa là một tài liệu tham khảo có thể đặt ở nhiều kho khác nhau, nhưng chỉ cần xử lý, ghi chú, đánh dấu … một nơi là đủ cho tất cả.
Có rất nhiều tác vụ trong quá trình xử lý tài liệu tham khảo, bao gồm: đọc, ghi nhận xét, làm nổi bật nội dung cần thiết, đánh dấu chỗ quan tâm, định vị, sắp xếp tự động danh sách tài liệu tham khảo vào cuối bản thảo theo kiểu (style) của nhà nghiên cứu hay tạp chí.
Bản tóm tắt (abstract) hay bản đầy đủ (fulltext)?Bản tóm tắt hầu như luôn có, nhưng chúng ta chỉ miễn cưỡng dùng nó khi không thể lấy được bản đầy đủ. Một bài báo khoa học số hóa đăng ở tạp chí tin cậy thường chào bán từ 31,2$ – 39,9$ (không được đọc thử). Chúng ta nên lấy chúng (download) bằng các con đường miễn phí, các thẻ thư viện, các trung tâm học liệu, nhờ đồng nghiệp tại các đại học lớn, thậm chí đi các đường vòng trên internet vẫn có thể lấy được các “mỏ vàng” đó. Thư viện cũng sẽ giúp bạn đi vào các kho dữ liệu liên kết toàn cầu mà họ được phép như Hinari, Agora, Process …, Tạp chí Y Dược học Quân sự, Tạp chí Y Học Thành phố Hồ Chí Minh, …
Trực tuyến (Online) hay ngoại tuyến (offline)? Sau khi đã lấy được tài liệu tham khảo về EndNote, chúng ta toàn quyền khai thác, xử lý tài liệu tham khảo ngoại tuyến giống như sử dụng word, excel …, USB của mình.
Do khuôn khổ cuốn sách có hạn, chúng tôi giới thiệu bạn đọc xem thêm bài “Hướng dẫn tìm kiếm và xử lý tài liệu tham khảo bằng phần mềm EndNote” đăng tại website thư viện nhà trường. Bao gồm các nội dung như: các bước tiến hành, cài đặt phần mềm, các nội dung chi tiết, các thao tác, các thuật ngữ, các thủ thuật, tìm kiếm bằng Google search, tìm trong file PDF, tìm trong EndNote, …
Tài liệu tham khảo
http://www.endnote.com/enhome.asp
http://www.google.com/ (tiếng Anh) hoặc http://www.google.com.vn/ (tiếng Việt)
http://www.buaxua.vn/Mang-Internet/Cach-tim-kiem-thong-tin-tren-Internet-bang-Google.html
http://www.khoahocviet.info/meresci/vi/meresci02.html
http://library.ucsc.edu/help/howto/write-a-literature-review
http://owl.english.purdue.edu/workshops/hypertext/APA/print/papers/litreview.html
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc