Sống giữa quận Cam nhưng Daniel không nói tiếng Việt, tách biệt với cộng đồng cũng như chẳng quan tâm tìm hiểu nguồn gốc của mình. Cho đến khi học xong đại học, lấy bằng cử nhân sinh vật học, Daniel đi làm, rồi tới Louisiana làm cho một công ty phát triển cộng đồng, anh mới tình cờ có cơ hội quản lý các dự án đầu tư và phát triển cộng đồng người Việt ở vùng Vịnh Mexico. Đó là lần đầu tiên anh tiếp xúc nhiều với người Việt Nam đến thế, ngoài bố mẹ và gia đình anh ở California. Từ đó, anh mới có cái nhìn sâu sắc hơn về cộng đồng người Việt, về nguồn gốc của mình.
Năm 2012, Daniel về Việt Nam công tác nên anh mới quyết tâm học tiếng Việt một cách nghiêm túc. 3 năm sau, anh về Việt Nam sinh sống, làm cho các dự án phát triển bền vững ở Bến Tre, Lâm Đồng, dự án giám sát giao đất giao rừng ở các tỉnh miền núi Bắc Trung bộ, Tây Bắc...
Daniel thích những chuyến đi, được ở cùng bà con dân tộc, tìm hiểu lối sống của họ. Anh nhận ra những thay đổi đáng kể: “Mấy năm ở Việt Nam, tôi nhận thấy các giống thảo mộc, ngô bản địa mất đi rất nhanh, tốc độ mất bản sắc văn hóa cũng rất nhanh”. Bị chinh phục bởi cuộc sống rẻo cao, Daniel quyết định phải cùng bà con bảo tồn các giống ngô và thảo mộc bản địa, bắt đầu từ vùng núi phía Tây Bắc. Anh đi từng nhà xin và mua từng bắp ngô giống bản địa, rồi đem về hợp tác với Viện Cây trồng, thuộc Học viện Nông nghiệp để gieo cấy, phân tích gene, cố gắng tìm ra nguồn giống thuần. Qua nhiều vụ, giờ Daniel đã có giống ngô tương đối chất lượng.
Daniel thấy các vùng miền núi của Việt Nam còn có nhiều loại thảo mộc quý với hương thơm rất riêng biệt, đặc trưng như thảo quả, quế, hồi, mắc mật, mắc khén... Rồi Daniel nghĩ cách tăng giá trị gia tăng cho các loại thảo mộc bản địa. Ban đầu làm gia vị tiêu, nhưng giá trị gia tăng thấp, chỉ 5%, và Daniel đi tới một quyết định táo bạo: Chưng cất rượu tây, như gin, whisky từ ngô và thảo mộc của núi rừng Tây Bắc.
“Trước đây ít người nước ngoài thấy cái hay của văn hóa Việt Nam, nhưng từ khi đầu bếp người Mỹ Anthony Bourdain (người ăn bún chả với Tổng thống Mỹ Obama năm 2015) còn sống, đã góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam qua một loạt chương trình truyền hình về ẩm thực, du lịch Việt Nam, nhiều người mới thấy cái hấp dẫn. Tôi cũng muốn đi theo con đường như vậy”, Daniel kể.
Vậy là anh hợp tác với hàng chục hộ gia đình người Mông, người Dao ở Lào Cai để trồng và thu hái, chế biến thảo mộc. Cái khó không chỉ là khôi phục giống, mà làm sao xây dựng mối quan hệ kinh doanh tốt hơn, hướng dẫn bà con tăng dần chất lượng ngô và thảo mộc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bảo quản, cách vận hành hợp tác xã, cách viết hóa đơn, tính thuế...chính từ đó mà anh có được lòng tin của bà con. Tự thiết kế dây chuyền chưng cất, tự tay pha chế các loại thảo mộc, suốt 8 tháng với 44 phiên bản, hàng trăm lần thẩm định hương vị, cuối cùng Daniel cho ra một loại rượu gin hoàn toàn từ nguyên liệu vùng Tây Bắc theo cách chưng cất thủ công trên bếp lửa của bà con dân tộc. Nhãn hiệu gin riêng của Daniel đã giành giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế uy tín tại Anh và Hồng Công.
Hơn 4 năm sống và làm việc ở vùng cao Tây Bắc, Daniel rất cảm động bởi tình cảm của bà con nơi đây. Anh có thể đến bất kỳ lúc nào không cần báo trước, ăn ngủ ở nhà bà con, anh học được rất nhiều về văn hóa bản địa, khâm phục tinh thần chăm chỉ, dẻo dai, bền bỉ của người dân. Đó là một giá trị lớn trên con đường đi tìm bản sắc của Daniel Hoài Tiến Nguyễn. Anh nói: “Người Việt nói chung cũng rất cởi mở, nhiệt tình, đất nước Việt Nam sôi động đem lại rất nhiều cơ hội để những người Mỹ gốc Việt trẻ như tôi có thể trở về”.
Ý kiến bạn đọc