Với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam dự kiến sẽ vượt quá con số 21 triệu lượt trong năm 2019. Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội; du lịch Việt Nam cần có sự thay đổi lớn trong một số lĩnh vực...
Tăng trưởng ấn tượng!Năm 1990, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn 250.000 lượt. Năm 2018 con số này đạt cột mốc mới 16 triệu, tăng 64 lần.
Có một phép tính đơn giản để phản ánh đà tăng trưởng vượt bậc của du lịch Việt Nam chính là khi so sánh với du lịch Thái Lan về những con số. Năm 2018, du lịch Thái Lan đạt khoảng 36 triệu lượt khách và để đạt được mức này, Thái Lan đã phải mất 20 năm. Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Công ty Tư vấn và Kiểm toán Grant Thornton (Anh), dự đoán: “Với đà phát triển như hiện tại, cộng với sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại”.
Năm 2018 cũng chứng kiến quá trình đa dạng hóa các loại hình du lịch ở nước ta như: Du lịch lễ hội; du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch gặp gỡ xúc tiến hội nghị, hội thảo; du lịch giúp đỡ người nghèo; du lịch mạo hiểm; du lịch thể thao... Ngay cả du lịch mua sắm vốn bị coi là điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam cũng đã được chú trọng và phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương như Hà Nội, Huế và đặc biệt là TP.HCM.
Ngày 10/12/2018, TP.HCM đón vị khách quốc tế thứ 7 triệu và trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đạt được cột mốc ấn tượng này. Năm 2019, mục tiêu của thành phố là sẽ đón khoảng 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 chỉ đạt 1.171 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... Do đó TP.HCM đang quyết tâm cải thiện điểm yếu này khi hình thành nhiều khu chợ đêm, trung tâm mua sắm cho từng nhóm khách hàng.
Điển hình là khu “Saigon Halal” phục vụ du khách theo đạo Hồi. Rất nhiều cửa hàng mua sắm, nhà hàng, khách sạn xuất hiện trên khu phố mua sắm Nguyễn An Ninh, lan ra các con đường xung quanh như Nguyễn Trung Trực và Phạm Hồng Thái ờ Q.1. Khách từ Malaysia, Indonesia... có thể mua rất nhiều thứ: Từ trang phục truyền thống Hijab, những bộ váy kurung baju, đến đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm...
Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Điệp khúc khó khăn...Vấn đề khó khăn nhất vẫn là bài toán về cơ sở hạ tầng, dịch vụ khi chúng ta chưa thể so sánh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia…
Hai sân bay quốc tế hàng đầu là Tân Sơn Nhất và Nội Bài - cửa ngõ và bộ mặt của Việt Nam - liên tục rơi vào tình trạng quá tải và nếu vấn đề không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay, sự tiện lợi của du khách. Sự kiện một đoàn khách 4.000 người đến Việt Nam hồi tháng 5/2018 theo chương trình hội nghị kết hợp du lịch (MICE) phải ngắt làm hai đoàn, lịch trình cách nhau 11 ngày để ban tổ chức phục vụ là ví dụ rõ nét nhất về cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém của ngành du lịch.
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp. Tổng cục Du lịch Việt Nam dự định thành lập quỹ phát triển du lịch trị giá 500 tỷ đồng vào tháng 6/2018 tăng hơn 10 lần ngân quỹ hiện tại cho quảng bá du lịch, với đóng góp tài chính từ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và các tập đoàn du lịch trong nước. Tuy nhiên cho đến nay, kế hoạch vẫn chưa được thực hiện.
Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về quảng bá cho du lịch, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). Tổng chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam trong năm 2018 chỉ có 2 triệu USD, trong khi Thái Lan chi 100 triệu USD và mức trung bình của nhiều quốc gia khác đã đạt từ 70-80 triệu USD.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh cũng kéo theo những mặt trái và các hệ lụy về môi trường, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông. Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai) là những địa điểm thu hút đông khách du lịch nhưng cũng là những địa bàn gây nhức nhối về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến việc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tuy đông, nhưng số lượng quay lại không cao. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, số khách du lịch quay trở lại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 6%.
Hạ Long (Quảng Ninh), một trong những điểm du lịch quan trọng của Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc