“Tài liệu tuyệt đối bí mật” (Di chúc) Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi thảo tại Hà Nội, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 (5/1965). Trong những năm tiếp sau đó, cũng vào dịp kỷ niệm ngày sinh, Người lại đọc, suy ngẫm, trăn trở để chỉnh sửa, bổ sung vào những “lời dặn lại” đặc biệt của mình, cho đến khi trái tim ngừng đập vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Không chỉ suốt đời tận tụy, phấn đấu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, Hồ Chí Minh còn mang theo khát vọng về một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, cùng một cuộc sống hạnh phúc cho con người. Trong bản Di chúc Người để lại có nhiều nội dung rất hệ trọng, nhất là với công tác xây dựng Đảng. Nhân dịp tết đến xuân về, xin được nói đôi điều về lời dặn dò của Bác đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và sự quan tâm sâu sắc của Người tới đời sống nhân dân.
Một đoạn bản thảo bản “Di chúc” viết tay và bút tích do Bác sửa
Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nghĩa vụ, là trách nhiệm hàng đầu. Cả bản viết năm 1965 và bản viết năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định quyết tâm to lớn, kiên quyết giải phóng miền Nam dù có phải gian khổ hy sinh đến mấy... Bác đã từng viết: “
Nếu tôi không được tự mắt trông thấy thực hiện cuộc thắng lợi đó, thì tôi phải tự trách mình không làm tròn nhiệm vụ đối với đồng bào miền Nam”. Không phải ngẫu nhiên mà phần nói về giải phóng miền Nam trong bản thảo mấy năm đầu Bác để ở giữa Di chúc, nhưng đến bản cuối cùng viết ngày10/5/1969, Bác đưa ngay thành câu mở đầu.
Tháng 1/1973, thực hiện Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã làm lễ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Hành động này của Mỹ đã ghi nhận thắng lợi đầu tiên của quân dân ta làm theo Thơ chúc Tết của Bác Hồ Xuân 1968: “
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và trưa 30/4/1975, khi Quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập, chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ cáo chung, chúng ta đã toàn thắng, non sông thu về một mối, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ.
Tình cảm và sự quan tâm đối với con người luôn chiếm quan trọng trong chỉ đạo và điều hành đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1945, Người đã từng nói:
“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Lúc sinh thời, Người luôn quan tâm tới bữa ăn, giấc ngủ của dân, lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, lo cho từ nơi thôn cùng xóm vắng đến hải đảo xa xôi luôn bi bô tiếng trẻ học bài. Những người tủi hèn nhất trong xã hội, nhận được ở Người tình thương yêu nhiều nhất.
Trong Di chúc, Người nhắc đến tất thảy mọi người, từ bà con lao động, công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, trí thức… Người căn dặn: Đảng “
phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Sau Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, nhiều vấn đề hậu chiến được Bác đặc biệt quan tâm. Trong 6 trang viết thêm năm 1968, Người dành tới 4 trang để căn dặn kỹ mọi việc cần làm sau chiến thắng, đó là chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, quan tâm tới những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, nhất là phụ nữ, lựa chọn những người trẻ tuổi đã kinh qua chiến đấu cho đi học tập đào tạo; đặc biệt, cần quan tâm tới nông dân, giai cấp đông đảo nhất trong xã hội, đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến. Người còn căn dặn: “
Đối với nạn nhân của chế độ cũ… thì nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.Hơn 40 mươi năm sau giải phóng, “
điều đầu tiên là công việc đối với con người” đã được Đảng ta thực hành từng bước có hiệu quả. Sau gần 10 năm có phần say sưa với chiến thắng, lại bị cấm vận, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở hai đầu biên giới cùng những sai lầm trong quản lý kinh tế đã gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế - xã hội. Vì thế, năm 1986, Đảng đã tiến hành đổi mới toàn diện. Thành tựu hơn 30 năm đổi mới đã biến một nước thuộc diện đói nghèo trở thành một nước bước vào ngưỡng cửa của một xã hội phát triển. Tuy một số giá trị của thời “bao cấp” mất đi, như: giáo dục, chữa bệnh không mất tiền… song độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia được giữ vững, con người năng động hơn, kinh tế tăng trưởng tốt hơn, cuộc sống người dân và an sinh xã hội tốt hơn, từng bước xóa đói, giảm nghèo, người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… Tinh thần hòa hợp dân tộc, xóa bỏ mặc cảm với những người từng cộng tác với chính quyền cũ… được các cấp chính quyền và nhân dân các tỉnh phía Nam thực hiện. Tuy chưa đạt được theo căn dặn và mong mỏi của Bác, nhưng từng bước đã đem lại cuộc sống bình yên cho hầu hết mọi người. Các mục tiêu xây dựng nông thôn mới như “điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa…” đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn. Nếu như trong Di chúc, Bác chỉ mới nêu miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân; năm 1990, Đảng thực hiện nhưng xin miễn chia ra làm hai năm để đỡ thất thu ngân sách, thì hôm nay, người nông dân không phải đóng bất cứ khoản thuế nào, kể cả “thủy lợi phí” cũng được miễn.
Mỗi điều trăn trở, dặn lại trong Di chúc của Bác đều hàm chứa sâu sắc tư tưởng, đạo đức và tâm hồn một vĩ nhân- người con ưu tú của dân tộc Việt. Bản Di chúc là di sản bất hủ, “là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí” Hồ Chí Minh gửi lại cho các thế hệ mai sau.
Ý kiến bạn đọc